Ngày 10/01/2022, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2020 định hướng đến 2025.

Hội nghị có sự tham gia của Lãnh đạo các Sở, ngành, Hội công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện chính quyền các địa phương, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bếp ăn tập thể, cơ sở chăn nuôi, giết mổ heo…trên địa bàn tỉnh.

 

Toàn cảnh Hội nghị và các điểm cầu

Tại Hội nghị ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua với sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp, cửa hàng tiện lợi, bếp ăn tập thể, tiểu thương, cơ sở chăn nuôi…đã góp phần không nhỏ vào sự thành công bước đầu của dự án, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng tầm thương hiệu cho nông sản Đồng Nai trên thị trường.

Ông Đào Hà Trung – Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong hơn 2 năm cùng các công ty và chuyên gia của Hội khảo sát, nghiên cứu tại các cơ sở chăn nuôi, thu gom heo, cơ sở giết mổ, chuỗi siêu thị, bếp ăn tập thể…dự án đã được triển khai bước đầu. Theo ông Trung, dự án truy xuất nguồn gốc (TXNG) sẽ góp phần cho cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát tốt an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó dự án cũng góp phần tích lũy tài sản số cho ngành chăn nuôi, nâng cao vị thế cho các sản phẩm chăn nuôi.  Đây cũng là tiền đề để Đồng Nai xây dựng cổng thông tin TXNG mọi sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Cũng trong buổi Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trong năm 2021 sức ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tất cả chúng ta là không hề nhỏ. Ngay sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, cuộc sống trở lại bình thường mới, dự án đã nhanh chóng triển khai và đạt được những kết quả khả quan nhất định. Cụ thể tính từ ngày 23/12/2021 đến ngày 09/01/2022 dự án đã vận hành thử nghiệm tại 02 cơ sở giết mổ, 01 chợ và 12 cửa hàng tiện lợi, với tổng số 423 con heo tương đương với 42.300 kí thịt heo được truy xuất nguồn gốc.

 

Toàn cảnh Hội nghị và các điểm cầu

 

Bế mạc Hội nghị, Ông Trần Lâm Sinh kết luận: Trong thời gian ngắn dự án đã thực hiện được nhiều việc, ngoài sự nỗ lực của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Đơn vị chủ trì, còn có sự hỗ trợ đắc lực của phía Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền các địa phương, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bếp ăn tập thể…trên địa bàn tỉnh. Bản chất của vấn đề là làm cho người dân tin tưởng về nông sản Việt Nam, hỗ trợ người chăn nuôi, tiểu thương, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sắp tới đây, dự án sẽ ngày càng thu hút đông đảo doanh nghiệp, cơ sở giết mổ và các trang trại chăn nuôi tham gia. Ngoài ra, người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thì TXNG được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Điều này giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi.

Nguồn: Chi Cục Thú Y Đồng Nai